Người Hà Nội rất yêu thích hoa và cây cảnh. Từ thuở ra xưa, Hà Nội đã có những làng nghề nổi tiếng về trồng hoa và cây cảnh như Nghi Tàm, Nhật Tân, Ngọc Hà…
Nếu bạn may mắn được đi chơi một trong những nơi đó với một người sành điệu hoa thì quả là hiếm có thú nào bằng. Ta như lạc bước vào cảnh tiên trong khung cảnh mờ ảo của mưa xuân. Bầu trời xanh xám trong một vùng trời nước mênh mang. Những cánh hoa, ngọn cỏ ngậm sương mai e ấp dịu dàng như ánh mắt nhìn của một cô gái đương yêu. Trong cái mờ ảo của đất trời vào độ tiết xuân, vạn vật như nương tựa lẫn nhau. Tưởng rằng không có gì gợi nhiều cảm xúc hơn thế và cung đàn thơ bỗng ngân lên:
Xuân đến nhè nhẹ trên cành non
Rung rinh hoa nở nhụy mơ màng
Sương mai khẽ đậu trên cành biếc
Tưởng cả trời xuân cũng ngỡ ngàng.
Năm nào Hà Nội mình cũng có một mùa xuân như vậy. Nó huyền ảo hơn, thơ mộng hơn và đẹp hơn hẳn bất cứ nơi nào trên đất nước. Tưởng rằng đó cũng là nét tự hào riêng của người Hà Nội.
Từ Thuở đạn bon ác liệt, ở các góc hầm hay chiến hào cũng có vài nhành hoa dại do các chiến sĩ trẻ hái về cắm trong những vỏ đạn. Mới biết tự trong sâu thẳm của tâm hồn, người ta đã yêu cái đẹp biết bao nhiêu. Mà biểu tượng cái đẹp đó lại là hoa!
Rồi Tết đến, dù giàu nghèo thế nào cũng phải có đào hoặc một bình hoa thờ cúng tổ tiên trong đêm 30. Không có hoa còn gì là tết! Phong tục Á Đông, khi chuyện trò, nếu cứ nhìn mãi vào mắt nhau nhiều khi cũng thấy bất tiện thì hoa là vật trung gian để chủ khách cùng nhìn ngắm. Tưởng rằng không có gì ý nhị hơn thế.
Hoa gắn bó với người từ lúc sinh ra, cho đến khi vào mồ, thì hoa vẫn còn đeo theo kết vòng ở trên. Có những nhà thơ tình yêu, hay những người đã khuất, mãi bao nhiêu năm sau người ta vẫn còn mang hoa đến viếng để tỏ lòng tiếc thương và thành kính.
Ta có thể thấy dân tộc nào yêu hoa, dân tộc đó có nhiều người hiền đức. Hoa đánh thức phần người trong con người. Nhờ biết yêu và thưởng thức hoa, con người càng giầu nhân tính. Dám chắc ở những vùng trồng hoa, tội phạm cũng ít hơn những nơi khác!
Các đóa hoa tượng trưng cho một thời sắc đẹp, cho sự yên lặng và mềm yếu; hoa đưa ta ra ngoài biên giới của thời gian. Những đường cong uyển chuyển của hoa lá đẹp mắt khi ta nhìn, nó còn chứa đựng một bí ẩn của tạo hóa, chỉ biểu lộ cho những ai biết nhìn ngắm với sự tôn kính. Hoa được xem như một sự kỳ diệu, thiêng liêng của Tạo hóa ban cho người. Ở những nơi thờ cúng bao giờ cũng có hoa. Hoa làm cho ta hướng thượng và giúp ta gợi mở những tiềm thức hãy còn u ám.
Trước cửa đền cửa chùa nào người ta cũng trồng hoa, ngoài việc dùng vào thờ cúng… người ta còn qua đó ngụ ý dạy cho các đệ tử rằng kiếp sống của người cũng như một đời hoa – mong manh lắm, vậy đừng bỏ phí thời gian, hãy phát triển trí tuệ. Đó là một cách dạy điển hình của các minh sư phương Đông – “Hành bất ngôn chi giáo”.
Tuy nhiên, không có một dân tộc nào trên thế giới yêu hoa cho bằng người Nhật. Ở đó việc cắm hoa và thưởng thức hoa đã nâng lên thành Hoa Đạo, không chỉ đơn giản là một nghệ thuật mà còn là một tôn giáo, một đạo đức nữa. Vì thiếu hiểu biết người ta mới dùng hoa để làm một thứ để trang hoàng.
Vốn lớn lên trên một đất nước có truyền thống yêu hoa và sành điệu về hoa, ta dễ dàng nắm bắt được phần tinh túy của bộ môn nghệ thuật này. Một bộ môn nghệ thuật gắn với ý tưởng triết học Á đông thuyết Âm dương ngũ hành và những ý tưởng về sự hài hòa trong vũ trụ.
Chỉ với vài nhành hoa và cây lá quanh nhà, ta cũng có thể tạo nên một tác phẩm cắm hoa nghệ thuật làm xúc động lòng người có quyền sánh ngang với bất cứ loại hình nghệ thuật nào. Có những tác phẩm cắm hoa, trong quá trình thực hiện chính người nghệ sĩ cũng bị lôi cuốn vào trong đó không thể nào cưỡng nổi và nó khiến họ say mê, ngất ngây và sửng sốt, ta như quên lãng tất cả những cái khác. Ta và tác phẩm trở nên như là Một. Đó là giây phút giao cảm giữa tâm hồn tác phẩm và tâm hồn người chiêm ngưỡng, gợi mở một chân trời về đời sống tâm linh mới mẻ, kỳ thú. Ta lại bắt gặp một cái gì cao cả qua dáng dấp vươn đầy khí phách của hoa hay khung cảnh đồng quê êm ả trong cảnh chiều tà của cuộc sống con người, qua những cảnh hoa lá rủ xuống như dòng thác đổ hay dòng suối tuôn. Giống như một bài thơ tứ tuyệt, một tác phẩm cắm hoa sẽ thành công ở chỗ không thể còn lấy thêm hay bớt đi một nhành hoa, một cái lá. Như vậy cắm hoa nghệ thuật vừa dễ vừa khó.
Nhưng kiếp sống của hoa cũng thật mong manh, có đấy, rồi không đấy. Vì thế người ta càng thấy hoa đẹp hơn, bởi chỉ trong khoảnh khắc nữa là nó sẽ tàn lụi. Nếu nó không lụi tàn thì có lẽ người ta cũng không thể nào tưởng tượng ra nổi vẻ đẹp hiện tại của nó. Đó chính là Cái Đẹp! Cái Đẹp là cái luôn luôn sống động, luôn luôn biến đổi.
Tôi trân trọng bộ môn nghệ thuật này vì tính giàu ngụ ý và liên tưởng của nó; mong ước nó sẽ chiếm vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa của người Hà Nội.